Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Diễn biến Biển Đông: Tin xấu dồn dập bay về Bắc Kinh

Written By duythinhtea on Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014 | 09:26

Sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đến nay, tin xấu liên tục bay về Bắc Kinh. Bài viết được đăng tải lại từ báo Người Đưa Tin.

Nhật tăng cường củng cố thế trận trên biển
Trong tuần qua nước Nhật đã có một loạt động thái làm người Trung Quốc phải lo ngại. Hôm 15/5 Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi sửa đổi Hiến pháp của Nhật với trọng tâm là sửa đổi điều 9 để quân đội Nhật được đưa quân ra nước ngoài.
Hiến pháp hiện nay của Nhật được thông qua từ sau Thế chiến II. Đây là bản Hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt cho Nhật. Điều 9 của bản Hiến pháp này quy định: “Người Nhật sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.
Ông Shinzo Abe từ khi cầm quyền được coi là một Thủ tướng có lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Ông Abe cũng là vị Thủ tướng tích cực trong việc vận động và kêu gọi sửa đổi Hiến pháp. Lập luận của ông là tình hình thế giới và khu vực đã thay đổi tác động đến an ninh của Nhật nên cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp để thích ứng. Tuy không chỉ thẳng ra nhưng thực chất “tình hình thay đổi” trong phát biểu của ông Abe là ám chỉ thái độ ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc ở trên các vùng biển.
Diễn biến Biển Đông: Tin xấu dồn dập bay về Bắc Kinh - Ảnh 1
Ông Abe gặp ông Modi năm 2007.
Bên cạnh đó, nước Nhật cũng đã có hành động thực tế. Gần đây Nhật Bản đã triển khai máy bay tuần thám P-1 đến vùng biển Hoa Đông với trọng tâm là vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quần đảo này là nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản và là điểm nóng chính trong quan hệ đối ngoại của hai nước trong thời gian qua.
Trong một động thái cứng rắn hơn nữa, mới đây Nhật Bản tuyên bố sẽ thành lập các tiền đồn mới trên một số đảo. Báo Một Thế giới trích dẫn tin tức từ tờ Yomiuri Shimbun cho hay Nhật có kế hoạch thành lập các tiền đồn mới trên 3 hòn đảo ở cực Tây Nam gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dự kiến mỗi đảo sẽ có 350 binh sĩ đồn trú.
Tân Thủ tướng Ấn Độ theo lập trường cứng rắn
Ngoài các động thái của Nhật Bản, tin tức bay về từ New Delhi cũng khiến Bắc Kinh khó chịu. Mới đây, Ấn Độ vừa tiến hành cuộc bầu cử Thủ tướng mới. Người giành chiến thắng là ông Narendra Modi.
Theo Time of India, ông Modi là người không bao giờ giấu quan điểm chính trị là cứng rắn với Bắc Kinh. Khi đi vận động tranh cử tại tỉnh Pasighat, ông Modi đã không ngại chỉ đích danh Trung Quốc đang xâm lấn đất của Ấn Độ. Ông cũng tuyên bố trước cử tri: “Không thế lực nào trên trái đất có thể xâm lấn Ấn Độ dù chỉ vài inch. Trung Quốc nên từ bỏ chủ nghĩa bành trướng”.
Hồi tháng 10/2013 ông từng phát biểu rất mạnh mẽ khi Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên tranh cãi quanh khu vực lãnh thổ ở vùng Arunachal Pradesh.
Khi ấy ông Modi tuyên bố: “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc lấn lướt Ấn Độ trong các vấn đề chính sách đối ngoại. Chúng ta không nhạy bén khi chúng ta cần phải nhạy bén. Chúng ta vẫn tỏ ra yếu trong khi chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn”.
Ông Modi cũng đã nhấn mạnh: “Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ và sẽ luôn luôn như vậy. Không có quyền lực nào có thể cướp nó từ chúng tôi. Người Arunachal Pradesh đã không chịu áp lực hay sợ hãi từ Trung Quốc”.
Điều này khiến Trung Quốc khi ấy lo lắng đến mức phải lên tiếng thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao – Hoa Xuân Oánh rằng: “Trung Quốc không có ý định dùng chiến tranh để xâm lấn tấc đất nào của nước khác”.
Ở khu vực châu Á, ngoài Nhật Bản, chỉ có Ấn Độ là có tiềm năng quân sự sánh được với Trung Quốc. Chưa biết rồi đây chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao nhưng chắc chắn lập trường của ông Modi sẽ là một yếu tố ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Do vậy, đây là một điều cực kỳ bất lợi cho Trung Quốc.
Ở một mặt khác của vấn đề, các nước ASEAN mới đây cũng đã bày tỏ sự lo ngại về những động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Một vài học giả trong khu vực đã bày tỏ quan điểm các nước ASEAN cần đoàn kết nhau lại để đối phó với các sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Những điều này cho thấy một xu hướng rõ rệt là dưới áp lực của Trung Quốc, các nước trong khu vực đang đoàn kết nhau lại. Nếu Trung Quốc không thay đổi cách hành xử, họ có thể mất tất cả những người láng giềng và đó sẽ thực sự là một thảm họa cho họ.

Đăng nhận xét